Hãy đi sẽ đến
- Danh mục Tin tức
- Ngày đăng 23 Tháng tư, 2019
- Bình luận 0 bình luận
GS. TS Lê Vinh Danh: Hãy đi sẽ đến
Tôi đến thăm trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh vào buổi sáng thứ 2 đầu tuần. Nằm ở trung tâm khu đô thị Phú Mỹ Hưng, bao quanh là hàng rào hoa giấy thơ mộng, ngôi trường đang ấp ủ ước mơ vào top 500 đại học nghiên cứu tinh hoa thế giới hiện lên thanh bình và yên tĩnh. Nhìn cảnh tượng này, khó hình dung đây là ngôi trường Đại học đã được xây dựng 10 năm, có hàng chục nghìn sinh viên đang theo học. Các tòa nhà cao tầng xen giữa những vườn cây xanh mướt. Đường sá, vỉa hè, hành lang, giảng đường, kí túc xá, không nhìn thấy rác ở chỗ nào. Sinh viên xếp hàng vào thang máy, nhiều em khoanh tay chào khi đi qua chúng tôi. Đàn piano được đặt ở nhiều nơi, dành cho những sinh viên có năng khiếu âm nhạc.
Có vẻ không giống những gì tôi thường thấy ở các trường Đại học khác.
Ngồi chờ phỏng vấn, qua cửa kính, tôi thấy vị Hiệu trưởng của trường đang làm việc với Lãnh đạo một phòng chức năng. Không giao ban với toàn bộ Lãnh đạo các Khoa, phòng như các nơi khác thường làm, người đứng đầu Đai học Tôn Đức Thắng thảo luận trực tiếp với từng đơn vị.
Thưa GS.TS Lê Vinh Danh, anh làm việc bao nhiêu tiếng đồng hồ một ngày?
Thường thì từ 11 đến 13 tiếng một ngày. Có khi tôi về tới nhà là khoảng 9h, 9h rưỡi tối. Việc đó khá thường xuyên nên giờ tôi cũng quen rồi. Thứ 7, chủ nhật tôi nhàn nhã hơn chút, có thể đi muộn hơn, về sớm hơn nhưng nhìn chung tôi vẫn làm việc.
Liệu có hiệu trưởng nào ở Việt Nam làm việc theo phong cách và thời gian như thế không?
Tôi không rõ nên không trả lời được câu hỏi này. Nhưng những người bạn mà tôi biết thì không.
Anh làm những công việc gì trong 11 đến 13 tiếng đó?
Nhiều thứ lắm. Quản lý một trường đại học có vô số việc. Như chị thấy, ngôi trường này đến hôm nay đã được 10 năm nhưng vẫn rất chỉn chu trong khi ở những nơi khác, 2- 3 năm là đã xuống cấp. Đường sá, vỉa hè không có rác, tất cả mọi nơi đều sạch sẽ. Cây cối được quy hoạch và chăm sóc rất kỹ. Tôi phải để ý đến tất cả các công việc, ngay cả những việc nhỏ như thế. Mỗi tuần tôi giao ban với các trưởng đầu ngành, phó hành chính một lần. Một tháng giao ban với các trưởng khoa một lần. Một năm giao ban 4 lần toàn trường để xác định các vấn đề lớn cần giải quyết, các giải pháp để khắc phục. Tôi đồng thời phải suy nghĩ về việc hợp tác quốc tế, tính toán việc cập nhật các chương trình giảng dạy, phát triển tài liệu, giáo trình. Suy nghĩ về phát triển nguồn nhân lực, thuê giảng viên, nghiên cứu viên nước ngoài. Tính toán các quy chuẩn nghiên cứu, tính toán đến cả việc quy hoạch 10 năm, 20 năm, 30 năm tới của trường này. Tính toán chính sách lương cho cán bộ, giảng viên. Nguồn thu năm nay như thế nào, nguồn thu 5 năm nữa như thế nào, để cân đối với kế hoạch đầu tư…Tất tần tật những chuyện như thế, hiệu trưởng đều phải để tâm, phải hoạch định. Và như vậy, tôi không thể nói với chị là một ngày tôi làm bao nhiêu đầu việc. Khi nào muốn nghỉ thì ngưng việc, chứ công việc không bao giờ hết.
Vất vả như vậy có phải vì mục tiêu anh đặt ra cho trường và cho mình quá cao? 10 năm trước đây, trường Đại học Tôn Đức Thắng công bố kế hoạch trong vòng 30 năm sẽ lọt vào Top 500 trường Đại học nghiên cứu tinh hoa của thế giới. Đó là thời điểm anh bắt đầu trở thành hiệu trưởng. Có người nói anh “viển vông”. Thậm chí có người cho là anh “chém gió”…
Tôi thích mượn ý của Matthew 7.7 mỗi khi nói chuyện với giảng viên, viên chức: “hãy đi, sẽ đến; hãy gõ, cửa sẽ mở; và hãy tìm, sẽ gặp”. Năm 2008, sau khi được Hội đồng quản trị thông qua; tôi báo cáo Kế hoạch 30 năm phát triển TDTU tại Hội nghị giảng viên-viên chức. Từ trên bục nhìn xuống, tôi thấy một số người cười. Tôi biết họ nghĩ rằng: không biết 5, 6 năm nữa sẽ thế nào? Có tuyển sinh được không? Nghĩ về 30 năm quá viễn vông! Khi ấy tôi đã nói với họ: khi Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe nhậm chức, ông báo cáo với Quốc hội Nhật Bản nội dung: 150 năm nữa nước Nhật sẽ tồn tại thế nào? Bằng nguồn năng lượng và nguyên liệu ở đâu? Không ai nói ông Abe viển vông. Người ta tin rằng có thể ông chỉ làm một vài nhiệm kỳ rồi thôi; nhưng nhiệm vụ của ông là phải suy nghĩ những vấn đề như vậy vì nó nghiêm túc và phải làm. Còn Nguyễn Du từng nói: “Thiên tuế trường ưu vị tử tiền” (trước khi chết lo mãi chuyện ngàn năm). Ông bà chúng ta từng đặt ra cái lo cả 1000 năm; tại sao giờ chúng ta không lo được cho tương lai 30 năm? Nhìn xuống, tôi không còn thấy ai cười nữa.
Với quan điểm đó, nhiệm vụ của tôi là suy nghĩ. Mặc dù, có thể đó chỉ là những suy nghĩ !
Khi đến đây tôi cảm nhận thấy một văn hóa nhà trường rất khác biệt. Sạch sẽ, quy củ, tự giác. Sinh viên ngăn nắp, kỷ luật, không xả rác, không ồn ào. Giảng viên, nghiên cứu viên tận tụy làm việc. Thư viện đông kín người. Những hình ảnh phải nói là ít thấy ở các trường đại học Việt Nam hiện nay. Anh xây dựng môi trường văn hóa nhà trường này thế nào, trong khi việc thiếu kỷ luật, tình trạng làm việc thiếu trách nhiệm đang diễn ra ở nhiều nơi?
Tất cả những điều chị vừa nói là những thói quen. Để thay đổi thói quen phải kiên trì. Ví dụ: Sinh viên vào đây ban đầu rất lộn xộn. Rèn cho các em giữ vệ sinh chung, xếp hàng, tự quản, hướng dẫn các viên chức làm gương… Những việc ấy phải rất kiên trì. Ngày qua ngày. Giờ qua giờ. Liên tục trong vài năm mới có thể lấy thói quen tốt để thay thế thói quen không tốt. Đầu tiên họ có thể khó chịu nhưng khi biết đó là điều đúng, họ thay đổi thấy mình tốt hơn, được tôn trọng hơn, thì tự thân họ sẽ điều chỉnh. Thời gian thay đổi dài hay ngắn tùy thuộc vào thói quen nhiễm trong người đó trong bao lâu. Tuy nhiên, tất cả đều có thể thay đổi được, kể cả với những người lớn tuổi.
Với hàng nghìn, hàng chục nghìn sinh viên, rồi cán bộ, giảng viên và cả người lớn tuổi… Rõ ràng không chỉ là sự kiên trì mà còn phải có phương pháp, có cách thức quản trị con người, quản trị trường hợp lý. Cách thức ấy như thế nào?
Đúng. Có nhiều vấn đề trong cách thức quản trị, tôi cố gắng xâu chuỗi lại thành 3 ý chính:
Thứ nhất, phải có hành lang pháp lý rõ ràng, có hệ giá trị sống đúng đắn. Trường đại học là nơi đào tạo con người, từ đó xây dựng và phát triển xã hội. Vì thế trường đại học tuyệt đối không thể thiếu giá trị sống. Giá trị phải càng rõ càng tốt. Từ triết lý, sứ mạng, mục tiêu đến hệ thống khung pháp lý, nội quy phải rõ ràng.
Điều thứ 2, là phải công bằng và nghiêm minh trong quá trình thực hiện, bởi vì có hệ thống giá trị, có hành lang pháp lý rồi mà không triển khai đến nơi đến chốn, “đánh trống bỏ dùi” thì chỉ một thời gian là tan. Tan rồi, họ sẽ quay lại thói quen cũ. Chính vì thế, hệ thống giá trị chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải kiên trì đi theo nó, bảo vệ nó, thực hiện nó nghiêm minh và công bằng. Làm sao để mọi người hiểu, nếu làm đúng thì con đường phát triển rất dài, trường tạo mọi điều kiện cho anh làm việc, còn làm sai anh phải sửa. Sửa 1 lần không được thì sửa lần 2. Không được nữa thì sửa lần 3, nếu không sửa được thì chấp nhận rời khỏi trường. Rõ ràng như vậy thì người ta buộc phải đi theo hệ thống giá trị mà trường đã đề ra.
Điểm cuối cùng là phải tạo được môi trường làm việc mà ở đó mọi người đều đồng lòng. Khi mà đa số đồng lòng, chúng ta dựa vào tập thể để điều chỉnh hành vi thì chúng ta có thể điều chỉnh cả những người cứng đầu nhất.
Có thể thấy, quản trị đại học là một bài học kinh nghiệm lớn của Đại học Tôn Đức Thắng. Học phí của trường chỉ thu ở mức trần theo quy định của Chính phủ đối với trường công lập tự chủ tài chính. Nhưng nếu nhìn vào cơ sở vật chất, nhìn vào những gì mà sinh viên được thụ hưởng thì rất lớn. Bí quyết nằm ở đâu ạ?
“Quản trị hiệu quả” quyết định tất cả. 4 từ này vô cùng quan trọng đối với tôi. Trong 3, 4 thập niên qua, từ hai bàn tay trắng, có những người đã xây dựng nên các đế chế như Google, Apple; ngoài ý chí, sự thông minh của họ, khả năng phản xạ tốt với thị trường…, họ còn phải sử dụng người giỏi, quản trị hiệu quả bởi vì không quản trị hiệu quả thì lãng phí. Riêng lãng phí cũng đủ để làm cho công ty họ phá sản chứ đừng nói là khởi nghiệp thành công. Vì sao nói vậy? Tham nhũng nó có thể làm cho tài sản bị mất là 1 thì lãng phí nó thể làm cho tài sản thất thoát lên tới 5, tới 10.
Tôi xin nói một ví dụ nhỏ. Nhà thi đấu của trường Tôn Đức Thắng, chỗ ngồi khoảng 7 ngàn người, không có đường chạy. Tôi làm cỏ nhân tạo loại tốt nhất nhập từ Mỹ về. 4 giàn đèn – trụ thì gia công ở Việt Nam nhưng bóng đèn tôi nhập từ Mỹ. Nhà thi đấu là cái nhà thi đấu trong nhà lớn nhất. Nếu xếp ghế lại và bung ghế ra, chỗ ngồi phải chứa đến 7 ngàn người. Ghế di động, thảm lót sàn dùng cho thi đấu đa năng… Vật tư nguyên liệu đều nhập từ các nước G 7. Dự toán 160 tỷ, tôi thi công có 144 tỷ thôi. Cũng chủ thầu xây công trình đó, trúng thầu một gói như vậy ở một đia phương khác. Khán đài, sân bóng đá của họ rộng hơn, có đường chạy, 10 nghìn chỗ ngồi nhưng ngoài những cái đó, các thiết bị đều không bằng của chúng tôi. Họ dùng khán đài cố định, ghế Trung Quốc, khán đài Trung Quốc. Nhưng chị biết không, tổng đầu tư của họ là hơn 1400 tỷ, gấp trường tôi gần 10 lần. Chưa nói đến chuyện tham nhũng, nhưng thất thoát, lãng phí do quản lý kém thật là khủng khiếp. Đấy là 1 ví dụ.
Còn ví dụ nào khác nữa?
Nhiều lắm. Ở nhiều trường đại học, từ chỗ trả lương cho cán bộ, giảng viên không đủ, một số trường đại học phải nghĩ ra rất nhiều cách để tăng nguồn thu. Chỗ thì đục tường ra để làm photocopy, chỗ cho thuê để bán hàng…Chỗ cho phép các khoa mở những lớp ngắn hạn, trung hạn, cấp chứng chỉ để lấy tiền trang trải thêm…Đến mức cả những đơn vị hành chính như Phòng đào tạo cũng bày ra các nguồn để thu. Từng đơn vị trong trường đại học đều có nguồn thu riêng của mình. Chị có tưởng tượng được rằng tình trạng đó dẫn đến những hệ lụy gì không?
Hệ lụy thứ nhất, là nhà trường không biết nguồn thu thực sự của các phòng và nguồn thu của từng viên chức là bao nhiêu tiền?. Không thể biết thực sự được vì người ta thu lắt nhắt rất nhiều thứ, người ta chia nhau rất nhiều thứ.
Hệ lụy thứ hai, khi họ đã làm được như vậy thì họ có khuynh hướng tiếp tục làm như vậy để có thêm tiền và công việc chung họ không lo, họ lo những công việc nào có tiền thôi. Có tiền mới làm, không có tiền không làm!. Và như vậy công việc chung càng ngày càng đi xuống. Hệ lụy thứ ba, mặc dù ngoài chuyện tiền lương thấp, nhà trường vẫn tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập, nhưng họ không biết ơn, không lo đến việc chung. Họ nghĩ đó là chuyện đương nhiên. Môi trường như vậy nuôi dạy ra những con người ích kỷ, những viên chức, giảng viên ích kỷ chỉ lo cho quyền lợi của mình.
Vậy cách quản lý của Tôn Đức Thắng là gì?
Chúng tôi quyết tâm không quản lý kiểu đó. Chúng tôi gom tất cả các nguồn thu về một mối. Ở trường này chỉ có 1 nguồn thu và 1 nguồn chi mà thôi. Nghiêm cấm tất cả các phòng, ban, khoa có nguồn thu riêng. Nhà trường sẽ trả thu nhập đủ sống. Chúng tôi nghiêm cấm làm thêm hoặc làm kiêm nghiệm bên ngoài nếu không có sự cho phép của nhà trường. Ai vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng.
Lúc đó phản ứng của cán bộ, giảng viên thế nào? Có nhiều người bỏ anh đi không?
Cũng có những người bỏ đi chứ, họ đã quen kiểu làm việc “chân trong chân ngoài”. Nhưng nhiệm vụ của tôi là lo trả lương cho cán bộ giảng viên xứng đáng để họ toàn tâm toàn ý với công việc. Nhiệm vụ của tôi là hàng năm đều phải tăng lương, năm sau phải tăng lương cao hơn năm trước, ít nhiều phải tăng hơn mức lạm phát. Bù lại, nhiệm vụ của họ là mọi công việc của trường họ phải làm tốt. Tôi mất gần 5 năm để tạo nên điều này, và chị có biết không, nhờ thế càng ngày ý thức tập thể của cán bộ, giảng viên càng tốt hơn. Bây giờ họ làm việc với tinh thần phụng sự. Chị có thể tự tìm hiểu, 7h, 8h tối, các phòng làm việc vẫn sáng đèn, không ai còn căn ke là tôi làm thêm giờ phải trả thêm tiền. Tinh thần làm việc như thế thì chất lượng và khối lượng công việc của trường nó phải tăng lên thôi. Hiệu quả từ đó mà ra.
Khi họ không còn và không thể có cơ hội để nghĩ đến tư lợi, mọi chế độ của nhà trường từ chế độ bảo hiểm cho đến lương thưởng đều tốt, họ hài lòng; thì tại sao phải vi phạm các quy định nhà trường để bị đuổi việc? Nhờ thế, tham nhũng, lãng phí bị cắt bỏ. Khi tham nhũng, lãng phí không có thì đương nhiên chúng tôi thừa tiền ra để làm chuyện cần làm.
Điều này có nghĩa là hoàn toàn có thể chống tham nhũng, lãng phí…
Đúng, điều này có thể làm được, mặc dù không đơn giản. Chị chỉ có thể cấm người ta không tham lam, không tư lợi khi và chỉ khi chị làm điều đó đầu tiên. Người thủ trưởng không làm nhiều hơn lính của mình mà yêu cầu lính mình làm nhiều là không có đức độ. Người thủ trưởng ngại khó mà yêu cầu lính của mình làm việc khó – cũng là người thủ trưởng không có đức độ. Tương tự như vậy, người thủ trưởng muốn lính của mình không tham thì chính anh ta phải không tham trước tiên. Cho nên, anh phải liêm chính thì mới yêu cầu được người ta liêm chính. Muốn chống lãng phí dứt khoát không được tham, không được tư lợi. Tôi tự hào trong 22 năm qua chưa lấy ra từ trường này một đồng phi pháp nào vào túi tôi. Nói đều này để nhấn mạnh một điều, để quản trị hiệu quả anh phải biết hy sinh chứ không thể đồng thời muốn làm việc lớn để lại cho đời; mà còn lo cho cái túi riêng của mình.
Chắc anh cũng biết, có những người nói rằng: Anh là một người tài năng. Nhưng một số người cũng nói rằng, “tay ấy kiêu ngạo lắm”, “chẳng chịu quan hệ với ai”. Trong khi trong cuộc sống, chỉ một chút nhún nhường, một chút thỏa hiệp cũng có thể giúp anh giải quyết rất nhiều việc cho bản thân và cho trường. Có lúc nào anh nghĩ rằng mình lùi một chút, thỏa hiệp một chút thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn?
20 năm trước tôi có một ông thủ trưởng, ông cũng gặp những người nói mấy câu y như thế. Ông ấy chỉ nói mỗi câu với họ thôi: “Cứ làm việc với Danh đi rồi sẽ biết, đừng đứng ngoài không hiểu gì về người ta mà phán xét”. Sau đó, những người phê phán tôi bắt đầu làm việc, chơi với tôi, rồi chơi thân tới bây giờ. Tất cả những người chê tôi hoặc phán về tôi đều là những người chưa từng gặp tôi, hoặc là không hiểu tôi. Tôi có 2 tính rất khó bỏ. Thứ nhất là tôi mê công việc, làm việc suốt ngày, nên ít giao lưu quan hệ bên ngoài. Thứ hai là tôi không thích phân trần về mình. Tôi thích họ đến đây, nhìn thấy cái tôi làm, lắng nghe anh em giảng viên, viên chức nói. Cái đó nó hay hơn là tôi tự đi nói về mình.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2019. Trong đó nội dung bao trùm lên tất cả là giao quyền tự chủ cho các trường Đại học. Đây là cơ hội để các trường đại học bứt phá. Là một trong những trường Đại học công lập tự chủ tài chính đầu tiên của Việt Nam, anh suy nghĩ gì về sự kiện này?
Có 3 điều mà tôi suy nghĩ:
Một là cần thực hiện càng sớm càng tốt việc bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các trường Đại học để các trường thực sự phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết 19. Chỉ có bỏ cơ chế chủ quản thì Hội đồng trường mới phát huy được tác dụng của mình. Còn Bộ chủ quản thì họ còn dựa dẫm, xin ý kiến. Mọi cái đều phải xin-cho cơ quan chủ quản nên Hội đồng trường không thể trở thành cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học.
Hai là khi bỏ chủ quản rồi thì Hội đồng trường phải mạnh để lựa chọn hiệu trưởng có năng lực quản lý hiệu quả. Tôi tin rằng hội đồng trường sẽ làm được điều này, bởi nếu không hiệu qủa; người ta không thu hút được sinh viên; không có nguồn thu thì không tồn tại được. Không ai muốn dừng lại hoặc là suy thoái. Vì thế họ sẽ nỗ lực.
Điều cuối cùng, khi tài trợ cho các trường đại học, nhà nước cần tài trợ theo nguyên tắc có điều kiện. Vì nguồn tài trợ từ ngân sách mà ra, nên cần đòi hỏi cụ thể các khoản tài trợ đó phải được sử dụng để mang lại cái gì cho đất nước? Nếu xây dựng phòng thí nghiệm cơ bản, anh liệu có đem về giải Nobel sau 5 năm, 10 năm nữa không? Nếu đầu tư công trình nghiên cứu thì mỗi năm anh mang về bao nhiêu bài báo ISI? Nhà nước cũng cần yêu cầu các trường cam kết, nếu không làm được sản phẩm mà mình tài trợ thì sao? Anh phải trả lại vốn, không phải trả lãi. Như vậy trường đại học khi đầu tư vào nghiên cứu khoa học nếu đảm bảo cam kết sẽ được xóa nợ và đầu tư tiếp. Nếu không được thì ráng tích lũy trả vốn ban đầu thôi chứ không phải trả lãi, 2 bên đều có lợi. Chứ như hiện nay chúng ta đang tài trợ một chiều, nên sản phẩm mang lại không chắc là hiệu quả.
Cũng vào tháng 7 này, nhiệm kỳ hiệu trưởng thứ 2 của anh kết thúc. Với một người gắn bó, và tâm huyết, được các giảng viên, sinh viên xem là linh hồn của trường Đại học Tôn Đức Thắng, anh dự tính tương lai của mình như thế nào?
Thực ra theo đúng tinh thần Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học thì không còn hạn chế nhiệm kỳ nữa. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là do Hội đồng trường quyết định theo quy chế. Tôi đã gặp 1 người làm hiệu trưởng một trường đại học suốt 16 năm ở Hà Lan. Ở Hoa Kỳ cũng thế. Người ta chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc. Ai còn làm việc hiệu quả là người ta tiếp tục bầu cho người đó làm.
Nếu theo đúng Luật thì với 1, 2 nhiệm kỳ nữa, tôi có thể đủ thời gian đào tạo những người đủ năng lực và hiểu trường để kế nhiệm mình. Đủ thời gian để tôi hoàn thành mục tiêu đưa trường này vào top 500 thế giới. Như vậy với trình độ phát triển của đất nước, sự đổi mới về thể chế cộng với sự sẵn sàng về nhân lực, môi trường đẳng cấp quốc tế được hoàn thiện sẽ giúp sự phát triển của nhà trường trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Tuy nhiên, cũng có thể mọi việc không như mong muốn của mình thì sao? Tôi cũng có những phương án khác.
Có vị đại diện trường tư đến hỏi tôi bao giờ hết nhiệm kỳ? Vị ấy hứa trả lương cho tôi 300 triệu/tháng, có xe riêng để đi, cấp cho tôi nhà để ở. Tôi cảm ơn họ nhưng tôi sẽ không đi đâu hết. Cả cuộc đời tôi, cái giai đoạn tuổi thanh xuân đẹp nhất của tôi đã sống hết mình, hết lòng với trường này. Tôi cũng sẽ ở đây cho đến khi không còn khả năng làm việc nữa. Không làm hiệu trưởng thì làm chuyện khác, dạy học chẳng hạn, chứ không đi đâu nữa.
Từ đầu đến giờ, chúng ta nói rất nhiều đến công việc, đến tình yêu và những trăn trở của anh với ngôi trường này. Nhưng với 11 đến 13 tiếng làm việc ở trường như vậy thì thời gian nào anh dành cho sự riêng tư của mình? Anh có bao giờ cảm thấy mệt mỏi không?
Nói mệt cũng đúng, có chứ sao không có. Đặc biệt là khi bị áp lực từ bên ngoài (Áp lực bên trong và áp lực công việc tôi không sợ nhưng áp lực từ bên ngoài, từ cái đố kỵ và nhỏ nhen thường làm cho tôi phiền não hơn). Nhưng nhìn chung, tôi không có thời gian để cảm thấy mệt mỏi. Điều thứ 2 là tôi cảm thấy hạnh phúc vì thấy mình sống có ích. Hàng ngày tôi thấy công việc của mình có thành quả rõ ràng; chứng kiến anh em giảng viên và nghiên cứu viên phát triển rất rõ ràng. Hàng ngày tôi thấy trường phát triển, mỗi ngày đều có cái mới. Sinh viên học hành vui vẻ, ra trường thành công ngày càng nhiều. Số người đăng ký vào đây học từ ngày xưa chỉ có mười mấy ngàn một năm, bây giờ lên cả trăm ngàn một mùa tuyển sinh. Những điều đó làm tôi cảm thấy hạnh phúc, vì tôi sống có ích cho cuộc sống này. Từng phút, từng giây, cảm giác hạnh phúc đó không có gì thay thế được, khiến tôi vượt qua mọi thứ mệt mỏi và phiền não.
Mỗi ngày miệt mài 11 – 13 tiếng làm việc. 1 tuần 7 ngày như vậy. Mục tiêu lớn nhất anh hướng tới là gì?
Có những người mong muốn mình có nhiều nhà hơn, có nhiều xe hơn, nhiều tiền hơn. Tôi muốn để lại cái gì đó cho đời chứ tôi không muốn nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều xe. Tiền nhiều quá rất dễ làm cho con người hư hỏng. Biết bao nhiêu người vì tiền nhiều mà hư hỏng, gia đình tan nát. Tiền vừa đủ thì tốt, nó nằm trong khả năng quản lý thì tốt. Nhưng tiền mà vượt quá khả năng quản lý, nó sẽ làm hư người, làm hư mình, gia đình mình, hư đủ thứ chuyện. Cho nên tôi thấy, với mục tiêu ấy, với những gì Đại học Tôn Đức Thắng đã, đang và sẽ đạt được, tôi đã ít nhiều thành công rồi. Điều đó làm cho tôi thấy hạnh phúc.
Những năm tới, tôi không có dự định cho mình. Tôi chỉ có dự định cho Đại học Tôn Đức Thắng; nhưng chưa muốn nói về dự định. Hãy để nó từ từ xuất hiện.
Tôi chỉ có một số suy nghĩ cho tương lai của Đại học Tôn Đức Thắng: đó là giải Nobel đầu tiên cho Việt Nam; đó là Ngân hàng giống nông nghiệp lớn cho ngành nông nghiệp đất nước; đó là Viện nghiên cứu và điều trị ung thư; đó là Lò phản ứng hạt nhân cho các nghiên cứu cơ bản và y khoa…; từ năm 1996, tôi đã nghĩ về một ngôi trường phổ thông đẳng cấp quốc tế và bây giờ, chúng tôi có VFIS (PV: Trường phổ thông Việt Nam – Phần Lan, thuộc quản lý của Đại học Tôn Đức Thắng). Hãy đi, sẽ đến; hãy gõ, cửa sẽ mở; và hãy tìm, sẽ gặp.
Nguồn: Báo Điện Tử VTV
Bài trước
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: Cơ chế trả lương Đại học Tôn Đức Thắng cần được biểu dương
Bài sau
Đoàn tư vấn của Công ty LV&F làm việc với Ban lãnh đạo Trường Đại học Thành Đông – Hải Dương
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất đầu tư Khu đô thị Giáo dục quốc tế 13.000 tỷ đồng tại Cần Giờ
Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục và tư vấn LV&F vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM xin chủ trương đầu tư Khu đô thị Giáo dục quốc tế tại huyện Cần …