Chúng tôi đã dự kiến cả thời gian, sự gian nan để đứng đầu thế giới
LTS: Lần đầu tiên một cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam là Trường Đại học Tôn Đức Thắng được Hệ thống xếp hạng đại học Academic Ranking for World Universities (ARWU), xếp vào top 1.000 trường đại học uy tín năm 2019, với thứ hạng là 901 – 1000.
Cùng với bảng xếp hạng THE, QS, ARWU là một trong ba bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới. Trong đó, ARWU được đánh giá là khó nhất.
Với kết quả này, Đại học Tôn Đức Thắng là đại học của Việt Nam đầu tiên được xếp trong bảng này.
Trước vinh dự lớn của giáo dục đại học Việt Nam, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng Nhà trường để lắng nghe chia sẻ của ông.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả cuộc trao đổi này.
(Tiêu đề bài báo do Tòa soạn đặt)
Phóng viên: Được biết, ngay từ khi thành lập trường, nhà trường đã có mục tiêu dài hạn trở thành trường đại học hàng đầu Việt Nam và có tên trong danh sách những trường đại học hàng đầu thế giới? Vậy theo thầy, đâu là cơ sở để nhà trường đặt ra mục tiêu lớn như vậy?
Giáo sư Lê Vinh Danh: Năm 2007, khi xây dựng Kế hoạch 30 năm phát triển cho Đại học Tôn Đức Thắng, chúng tôi đã đặt mục tiêu là Đại học Tôn Đức Thắng phải trở thành đại học đẳng cấp quốc tế và minh chứng là phải được xếp hạng trong TOP 60 Châu Á hay TOP 500 các đại học nghiên cứu tinh hoa hàng đầu thế giới bởi các tổ chức xếp hạng có uy tín như ARWU, THE và QS.
Vì sao chúng tôi đặt ra mục tiêu này? Vì chúng tôi đã quyết định rằng Đại học Tôn Đức Thắng sẽ phát triển theo hướng đại học nghiên cứu tinh hoa; trở thành trung tâm giáo dục và khoa học lớn của thế giới và đất nước; mà chỉ báo của một đại học nghiên cứu tinh hoa là đại học đó phải được liệt trong TOP 500 của thế giới.
Vì sao Đại học Tôn Đức Thắng phải trở thành đại học nghiên cứu tinh hoa? Vì nó muốn phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của đất nước và nhân dân Việt Nam.
Tất cả những đại học nghiên cứu tinh hoa đều có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia có đại học đó; và Đại học Tôn Đức Thắng đặt mục tiêu trở thành một đại học như thế từ năm 2007.Đại học hiện nay đa số thuộc về 3 nhóm: đại học nghiên cứu, đại học khoa học ứng dụng và đại học nghề nghiệp. Chỉ có đại học nghiên cứu mới đặt nặng trọng trách phải liên tục sáng tạo cái mới; liên tục cải cách để phát triển chính mình và phát triển xã hội một cách bền vững nhất.
Khi đặt ra mục tiêu trên, chắc chắn nhà trường hình dung được những khó khăn phải đối diện, nhưng khi triển khai vào thực tế rồi thì nhà trường có khi nào cảm thấy mục tiêu là quá gian nan hay không? Theo thầy, thì đâu là vấn đề khó khăn nhất để thực hiện được mục tiêu trên?
Giáo sư Lê Vinh Danh: Chúng tôi đã dự kiến khá đầy đủ những gian nan này; và vì thế, chúng tôi mới đặt mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu tinh hoa trong vòng 30 năm;
Trong khi cũng vào thời điểm đó có 2 đại học khác đặt mục tiêu vào TOP 200 của thế giới trong vòng 15 năm kế tiếp (đến năm 2022); và một đại học đặt mục tiêu vào TOP 100 Châu Á trong thời gian đến 2017.
Rõ ràng là chúng tôi hình dung rõ và đầy đủ là “đại học nghiên cứu tinh hoa là đại học như thế nào, phải có những cái gì, đạt tiêu chuẩn gì?” chứ không mộng du. Do đó, chúng tôi mới đưa ra con số 30 năm.
Bài toán đặt ra vào năm 2007 là: “muốn trở thành đại học nghiên cứu thì phải phát triển qui mô sau đại học, phải có đủ phòng thí nghiệm, lab cá nhân; phải có đủ nhân lực nghiên cứu sâu và mạnh, giỏi tiếng Anh để công bố quốc tế, phải có hợp tác quốc tế rộng rãi để liên kết nghiên cứu và tổ chức các diễn đàn khoa học quốc tế…;.
Muốn có những điều trên, thì phải có nguồn thu bởi Đại học Tôn Đức Thắng không nhận tài trợ chi thường xuyên và chi đầu tư từ Nhà nước và Công đoàn từ ngày đầu thành lập đến nay; làm gì cũng phải tự lo bằng chính tích lũy của mình.
Muốn có nguồn thu thì phải tập trung cho đào tạo đại học theo hướng thực hành, nghề nghiệp nhằm bảo đảm sinh viên ra Trường làm việc tốt, thành công để xây dựng uy tín bền vững; từ đó mới chắc chắn được nguồn thí sinh lựa chọn vào học ở Trường…”.
Dễ thấy rằng giữa mục tiêu lâu dài và mục tiêu trước mắt không thật sự tương thích.
Chúng tôi buộc phải vừa chạy vừa sắp hàng. Một mặt phải liên tục củng cố chất lượng của hoạt động đào tạo bậc đại học, cao đẳng; nặng về thực hành nhằm bảo đảm sinh viên ra Trường có việc làm ngay để ổn định và chắc chắn việc tuyển sinh.
Mặt khác:
1) Phải cấp tốc tuyển và gửi người đi nước ngoài đào tạo tiến sĩ ngay để chuẩn bị nhân lực cho 10 năm tới. Có năm tôi ra nước ngoài xin được số học bổng tiến sĩ lên đến 70 tỷ đồng, để về tuyển và ép anh em đi học đến nỗi viên chức đã đùa rằng tôi là một người ăn xin vĩ đại.
Vì sao phải ép? vì đa số giảng viên chúng tôi, và tôi tin rằng giảng viên nơi khác cũng ít nhiều tương tự, là khi đã có công việc ổn định rồi, thì chỉ muốn tích cực làm kiếm tiền, lập gia đình, có con, nuôi con, lo mua nhà, mua xe…chứ rất ít người có chí tiến thủ; muốn tập trung học tiếp để đầu tư cho tương lai lâu dài.
Nhiệm vụ của mình là phải nhìn xa hơn họ và ép họ phải theo. Tôi vẫn thường nói với họ rằng bây giờ tôi ép, họ có thể “oán” tôi; nhưng 10 năm sau “sẽ biết ơn” tôi.
Rất nhiều người học nước ngoài những lứa đầu tiên đã về; và nay đã và đang trở thành những chuyên gia chủ lực của Đại học Tôn Đức Thắng. Vài người trong số họ công bố mỗi năm 3 đến 5 bài trên ISI; có người có bài trên tạp chí ngoại hạng; và cá biệt có vài người khác công bố hơn 10 bài trong năm học vừa qua.
2) Phải tiết kiệm triệt để để nhanh chóng mở rộng cơ sở vật chất; trang bị ngay phòng thí nghiệm vừa cho giảng dạy thực hành vừa từng bước mở rộng nghiên cứu.
Bạn có thể tưởng tượng rằng vào những năm 2007, 2008, 2009; ép các Khoa phải nghiên cứu và công bố trên ISI không ai tin cả, không ai tin là làm được!
Nhưng đến nay, 2019, đa số các Khoa của Đại học Tôn Đức Thắng công bố từ 40 đến 70 bài ISI/khoa/năm. Khoa Quản trị kinh doanh năm 2018 đã có số công bố bằng 4,5 lần số công bố của cả Đại học ngoại thương; và hơn số công bố của cả Đại học kinh tế quốc dân trong cùng kỳ.
3) Thành lập ngay các Nhóm nghiên cứu trọng điểm để làm đầu tàu cho mọi người khác nhìn vào mà học, nhìn vào mà theo; để từng bước, mỗi cá nhân đều tin rằng hoàn toàn có thể nghiên cứu và công bố công trình trên các tạp chí ISI.
4) Thúc các Khoa chuyên môn phải liên kết quốc tế. Từng khoa, mỗi 2 năm phải tổ chức một hội thảo quốc tế với điều kiện kỷ yếu hội thảo phải được vào ISI hoặc Scopus nhằm đưa hoạt động nghiên cứu vào đời sống của Đại học Tôn Đức Thắng như hơi thở.
5) Thúc ép viên chức phải học tiếng Anh. Nhà trường cấp tiền, cấp thời gian; và yêu cầu viên chức, giảng viên trong một thời gian từ 12 đến 24 tháng phải đạt tiếng Anh với chuẩn TOEIC quốc tế 4 kỹ năng từ 600 điểm trở lên nhằm xây dựng môi trường tiếng Anh ngay trong Đại học Tôn Đức Thắng để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu theo chuẩn quốc tế.
6) Liên tục xây dựng và cập nhật hệ thống văn bản pháp qui để làm hành lang quản trị đại học nói chung, quản trị hoạt động giáo dục và khoa học-công nghệ nói riêng theo mục tiêu, theo tiêu chuẩn, theo qui trình và được giám sát mọi ngóc ngách.
7) Liên tục cải cách chế độ phụ cấp và thu nhập tăng thêm để bảo đảm đời sống và thu hút nhân tài….
8) Tích cực mở rộng hoạt động đào tạo sau đại học và liên kết giáo dục, khoa học công nghệ với các đại học danh tiếng nước ngoài để vận dụng thế mạnh của các đại học đi trước, đại học đẳng cấp quốc tế cho sự phát triển của Đại học Tôn Đức Thắng.
Có thể thấy cùng lúc phải làm những việc như vậy trong điều kiện không có ngân sách nhà nước hay Công đoàn tài trợ nó gian nan như thế nào?
Chúng tôi không nói là mục tiêu gian nan; vì nó là mục tiêu đúng và là chuyện phải làm.
Nhưng chúng tôi nói đến cái gian nan khi phải thắt lưng, buộc bụng, tự tích lũy để trong cùng một thời điểm, làm mọi thứ nhằm bảo đảm mọi thứ đều phải đi lên đồng loạt để tương hỗ nhau; và tạo hiệu quả tối ưu. Phát triển một đại học đẳng cấp trong điều kiện không có đầu tư lớn từ nhà nước hay tư nhân là khó khăn kinh khủng lắm!.
Tuy nhiên, chúng tôi đã thành công. Do đó, không có đầu tư ban đầu không phải là điều gian nan nhất. Điều gian nan nhất mà chúng tôi hằng nhớ và hằng phải nỗ lực khắc phục, đó chính là sự bất cập của cơ chế.
Chúng ta đã và đang thiếu những cơ chế phù hợp để những đại học quyết tâm trở thành đại học đẳng cấp quốc tế có thể dễ dàng tự vận động một cách thành công.
Chính vì thế, quá trình đi lên của Đại học Tôn Đức Thắng là một quá trình mày mò; tìm kiếm cơ chế và đi xin từng cơ chế.
Nếu chúng ta có những luật lệ hoặc chính sách đủ tốt như các nước hiện đại, không can thiệp vào vấn đề tự chủ tài chính, bộ máy, nhân sự của đại học; chúng tôi tin rằng Đại học Tôn Đức Thắng không mất sức quá nhiều.
Chúng tôi có thể đi xa hơn và thậm chí nhiều đại học khác cũng có thể làm thành công như chúng tôi.
Cơ chế đã làm cho người ta ngại làm việc, ngại đụng chạm, không dám nghĩ cái mới vì sợ cho bản thân. Lâu dần rồi khiến cho mọi người chỉ biết cầu an và lo thân.
Khi mà cơ chế khiến những người đứng đầu đại học trở nên như vậy, đại học đấy không thể có tương lai. Mặc dù lỗi không hoàn toàn ở người đứng đầu này.
Khi là đại học duy nhất của Việt Nam lọt top 1.000 đại học của bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities (ARWU) năm 2019 thì thầy có bất ngờ không, có xem đó là thành công không? Thầy có chia sẻ gì với các trường dám đặt mục tiêu vào danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới như Trường Tôn Đức Thắng?
Giáo sư Lê Vinh Danh: Chúng tôi không bất ngờ. Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu dài hạn, trung hạn đúng; xác định được lộ trình đúng; hằng năm có những kế hoạch công việc cụ thể để thực hiện lộ trình và mục tiêu; quản lý và kiểm soát rủi ro rất cẩn thận…thì việc được xếp hạng vào TOP 1000 chỉ là vấn đề năm nay hay vài năm sau. Không sớm thì muộn nó cũng đến.
Thí dụ, chúng tôi đã được THE Impact Ranking xếp hạng TOP 200 đại học có ảnh hưởng nhất thế giới đến sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội.
Nhưng việc vào ARWU sớm hơn dự kiến là một niềm vui bất ngờ với mọi thành viên Đại học Tôn Đức Thắng và cả học viên, sinh viên, phụ huynh, xã hội. Chúng tôi cũng tin chắc rằng muộn nhất là 2021, Đại học Tôn Đức Thắng sẽ vào bảng xếp hạng thế giới của THE; và đã vào, là vào hạng cao. Chỗ yếu nào khiến chúng tôi chưa vào được trong bảng xếp hạng thế giới 2019, 2020 của THE thì chúng tôi cũng đã biết và đang khắc phục.
Trong 16 năm xếp hạng của Bảng này, Việt Nam chưa có bất kỳ đại diện nào; bởi tiêu chuẩn họ thì cao; nặng về học thuật; cách họ họ làm lại khách quan; không liên hệ gì với chủ thể được xếp hạng, chỉ đơn thuần là căn cứ các số liệu từ cơ sở dữ liệu học thuật thế giới và tự thực hiện thống kê, đánh giá, đo lường.
Do đó, các biện pháp truyền thông, tự quảng bá hay sắp xếp dữ liệu cho đẹp, chủ động liên hệ, đăng ký, tự giới thiệu…đối với họ đều không có hiệu quả.
Một đại học chỉ có thể được xếp hạng vào bảng này khi và chỉ khi có thành công học thuật (giáo dục và khoa học-công nghệ) thực chất; thuộc loại đẳng cấp thế giới.
Chính vì cách làm như thế, khi được họ xếp hạng TOP 1000 đại học tốt nhất thế giới và là đại học số 1 của Việt Nam, chúng tôi xem đó là một thành công; bởi toàn thế giới hiện đang có 28.077 đại học và trường đại học [dữ liệu 2018].
Trở thành 1 trong 1000 trường tốt nhất thế giới theo nghĩa chất lượng nhất, uy tín nhất, đẳng cấp nhất…trong số hơn 28.000 trường là việc hoàn toàn không dễ dàng với một đại học chỉ mới hình thành và phát triển có 22 năm và không nhận tài trợ từ ngân sách.
Chúng tôi tin rằng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm một số đại học được liệt danh trong TOP 1000 của ARWU và THE, 2 bảng xếp hạng khó tính nhất.
Tôi cũng tin rằng Hiệu trưởng đại học nào dám đặt mục tiêu dài hạn cho trường mình vào các top trên; và quyết tâm, hi sinh thời gian và công sức để quyết thực hiện cho bằng được dù với bất cứ trở lực nào; đại học đấy chắc chắn sẽ được vinh danh như Đại học Tôn Đức Thắng không sớm thì muộn. Vì “hãy đi, sẽ đến, hãy gõ, cửa sẽ mở và hãy tìm, sẽ gặp”.
Theo Giáo sư, các trường đại học Việt Nam muốn được quốc tế thừa nhận thì cần phải làm gì? Cách thức của trường Tôn Đức Thắng đang đi có thể áp dụng cho nhiều trường Đại học ở Việt Nam không?
Giáo sư Lê Vinh Danh: Muốn được quốc tế công nhận, xếp hạng; đại học phải hoạt động, ứng xử và quản trị theo thông lệ của đại học đẳng cấp quốc tế.
Chúng ta không thể làm theo kiểu của mình, mà mong được quốc tế công nhận; bởi hơn bất cứ cái gì khác, học thuật và quản trị ngày nay là phạm trù được quốc tế hóa rộng rãi nhất, nhanh nhất.
Một quốc gia muốn hội nhập quốc tế, muốn trở thành một phần có giá trị của toàn cầu, trước hết hệ thống giáo dục nói chung và các đại học nói riêng của quốc gia đó phải hội nhập hoàn toàn.
Hội nhập là thế nào? Việc đầu tiên là suy nghĩ như họ suy nghĩ; lựa chọn mục tiêu như họ đã và đang chọn; tổ chức đại học của mình theo kiểu của họ; quản trị đại học bằng hoặc tốt hơn họ; cái gì họ đang có và đang làm tốt, mình cũng phải có và làm đúng như họ từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.
Cái gì tốt họ có mà mình chưa có, thì phải cố gắng để có cho bằng được; vì họ xây dựng đại học theo tinh thần khoa học Châu Âu hơn 1000 năm nay; trong khi chúng ta chỉ bắt đầu làm điều này chưa tới 100 năm.
Chúng ta hiện chỉ là học trò của họ; và điều tốt nhất có thể làm, là phải trở thành học trò giỏi đến giỏi nhất của họ trước khi nghĩ đến chuyện trò có thể vượt qua thày bởi chúng ta chỉ mới học vỡ lòng về xây dựng đại học.
Đừng nên nghĩ đến chuyện “đặc thù”, “riêng có” hay “tiếp thu có chọn lọc”; kể cả “đi tắt đón đầu” trong giáo dục đại học. Có một số lĩnh vực hẹp có thể đi tắt, đón đầu. Nhưng trong khoa học, chưa có được nền tảng vững mà nghĩ đến đi tắt, đón đầu thì chỉ là chuyện viễn tưởng, nói để cho vui.
Khi đã xây dựng được môi trường học thuật theo thông lệ quốc tế; đại học rất dễ dàng hội nhập vì giữa trường này với các trường quốc tế thì: về giáo dục (chương trình, giáo trình, kiểm định, triển khai, đánh giá đầu ra…), khoa học-công nghệ và quốc tế hóa…sự khác biệt hầu như không còn. Việc được họ thừa nhận và hợp tác sẽ rất dễ dàng.
Cách thức mà Đại học Tôn Đức Thắng đã làm hoàn toàn có thể được vận dụng thành công ở tất cả các đại học khác một khi thỏa mãn được 2 điều kiện còn lại.
Nếu chỉ ra một điểm nghẽn khiến đại học Việt Nam khó thể cất cánh nhanh và hội nhập quốc tế thì theo thầy đó là vấn đề gì?
Giáo sư Lê Vinh Danh: Tôi vừa nói 2 điều kiện còn lại. Tôi trình bày cả 2 để mọi người có thể chọn ra điểm nào là điểm nghẽn quan trọng nhất của mình, tùy vào từng trường hợp. Đó là: “Tự chủ đại học và năng lực lẫn tâm huyết của người đứng đầu”.
Không có tự chủ đại học, Đại học Tôn Đức Thắng khó mà có thành công sớm như ngày hôm nay. Vì là trường dân lập chuyển sang bán công, rồi chuyển sang công lập, Đại học Tôn Đức Thắng không có bất cứ đầu tư ban đầu nào từ nhà nước như các trường công khác theo đúng Luật giáo dục hiện hành.
Cơ chế này có những bất lợi gì thì ai cũng biết; và trường đã trải qua vô vàn khó khăn trong 15 năm đầu tiên. Nhưng điểm ưu việt của cơ chế này là trường được tự quyết định nhân sự, tổ chức, tài chính từ khi thành lập đến nay tuy không hẳn là hoàn toàn. Việc này đã giúp Đại học Tôn Đức Thắng đưa ra được những mục tiêu và quyết định cần thiết để thực hiện mục tiêu mà không phải đi xin qua quá nhiều cấp.Chính vì thế, Đại học Tôn Đức Thắng được cho tự quyết định thu, chi và sử dụng nguồn tài chính tự tích lũy như một đại học ngoài công lập từ những ngày đầu thành lập đến nay.
Những việc đi xin như vậy, làm tan rã rất nhiều cơ hội của trường đại học. Chỉ đơn cử một thí dụ nhỏ: Đại học Tôn Đức Thắng xây mỗi công trình chỉ trong vòng 12 tháng, luôn kịp đưa vào sử dụng cho giáo dục và khoa học; và vì thế, hiệu quả khai thác rất cao và đặc biệt là luôn kịp kế hoạch hoạt động. Trong khi có những đại học xây dựng một công trình 15 năm chưa xong do thủ tục và do không được tự chủ.
Quá trình xây dựng như vậy làm vật tư, thiết bị được xây từ những năm đầu, đến năm thứ 15 đã xuống cấp, công trình không được đưa vào sử dụng đúng kế hoạch sẽ làm hỏng biết bao dự tính và cơ hội của thày, trò.
Đại học Tôn Đức Thắng thành công vì coi Hiệu quả, Công bằng và Tinh thần phụng sự lên trên hết.
Để thực hiện điều này, không thể thiếu cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc đưa ra các quyết định có ích nhất cho người học và Nhà trường. Muốn bảo đảm sự công bằng để duy trì một môi trường liên tục phấn đấu, liên tục sáng tạo, phải có cơ chế trả lương, thu nhập công bằng. Việc đó không thể làm được khi còn bao cấp dù nhiều hay ít.
Để đề cao tinh thần phụng sự, không thể thiếu sự làm gương và thưởng phạt nghiêm minh. Khi không có cơ chế tự chủ, cũng không thể trả lương phù hợp để người ta yên tâm làm điều đúng, sợ làm điều sai vì làm sai sẽ mất mát nhiều hơn làm đúng; và nhất là việc răn đe, ngăn ngừa sẽ không có tính thuyết phục. Có tự chủ mới làm được điều này.
Do đó, muốn đại học Việt Nam cất cánh, muốn có thêm nhiều đại học Việt Nam được vinh danh trong TOP 1000, TOP 500 đại học tinh hoa của thế giới trong những thập niên tới, cần và đủ là phải mở rộng tự chủ quyết liệt hơn nữa; trong đó cốt lõi là tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính và chuyên môn.
4 nội dung này phải do đại học mà cụ thể là Hội đồng trường/đại học quyết định chứ không phải do bất cứ chủ thể hành chính nào bên ngoài. Ngày nào còn bất cứ sự can thiệp hành chính vào 4 vấn đề trên, ngày đó không có hi vọng đại học được tự chủ để cất cánh.
Mặc dù Luật chuyên ngành về giáo dục đại học, Luật số 34 đã được ban hành, nhưng việc áp dụng nó vẫn đã và đang bị diễn dịch sai hướng, suy diễn theo những qui định cũ vì lợi ích nhóm khiến cho Luật này hiện không dễ dàng đi vào đời sống để cởi trói cho đại học.
Đại học phải được điều tiết bởi Luật giáo dục đại học, các qui định về tự chủ và qui chế của trường; không thể áp bất cứ luật lệ hay qui định nào vốn được ban hành để áp dụng chung cho toàn quốc vào trong một hoàn cảnh cụ thể là trường đại học tự chủ.
Một khi cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể dùng luật chung để vặn vẹo một đại học tự chủ (tức là một trường hợp điển hình, cá biệt, chứ không phải là trường hợp phổ thông) thì không còn gì là tự chủ và các đại học sẽ hầu hết là không dám làm, không dám hành động ; đừng nói là dám đặt mục tiêu dài hạn và sống chết để thực hiện.
Năng lực và tâm huyết của người đứng đầu thì là chuyện hên xui; có lúc này, lúc khác. Điều kiện này không thể sao chép hay học tập hoàn toàn được; nhưng chắc chắn là đa số qui trình, cách làm, số đầu việc cụ thể là có thể kế thừa, học tập nhau.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Lê Vinh Danh.
Nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam