HÃY ĐI, SẼ ĐẾN (TIẾP THEO PHẦN 1, “KHÁT VỌNG TINH HOA”)
Khi ban hành Kế hoạch 30 năm (2007-2037) phát triển Đại học bán công Tôn Đức Thắng (tiền thân của Đại học Tôn Đức Thắng: TDTU ngày nay) thành đại học nghiên cứu tinh hoa trong TOP 500 đại học tốt nhất thế giới, không mấy người thực sự tin có thể làm được điều này khi không có đầu tư từ ngân sách nhà nước hay nguồn vốn đầu tư của tư nhân như ở các nước.
Về mặt học thuật, những năm 2007, 2008, 2009 không ai tin các khoa của TDTU có thể có kết quả nghiên cứu công bố trên ISI. Nhưng đến nay, 2019, đa số các khoa của Đại học Tôn Đức Thắng trung bình công bố từ 40 đến 70 bài ISI/khoa/năm.
Làm được điều này là bởi sau khi Kế hoạch này được ban hành, Nhà trường tập trung xây dựng những nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Nguyên tắc “làm đúng ngay từ đầu”; và “học và làm đúng theo những đại học nổi tiếng nhất thế giới ngay từ đầu” được truyền thông rộng rãi; và là nguyên tắc cơ bản để xây dựng chính sách phát triển và các kế hoạch hành động.
Mỗi khi nói chuyện với giảng viên, viên chức Nhà trường, Giáo sư Lê Vinh Danh thường mượn ý của Matthew 7.7: “hãy đi, sẽ đến; hãy gõ, cửa sẽ mở; hãy tìm, sẽ gặp”.
Năm 2019, TDTU là đại học duy nhất của Việt Nam lọt top 1.000 đại học của Bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities (ARWU), khiến nhiều người bất ngờ, nhưng Giáo sư Lê Vinh Danh thì không. Trái ngọt không tự dưng mà có.
Ông cho biết: “Chúng tôi không bất ngờ! Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu dài hạn, trung hạn đúng; xác định được lộ trình đúng; hằng năm có những kế hoạch công việc cụ thể để thực hiện lộ trình và mục tiêu; quản lý và kiểm soát rủi ro rất cẩn thận… thì việc được xếp hạng vào TOP 1000 chỉ là vấn đề năm nay hay vài năm sau. Không sớm thì muộn nó cũng đến.
Thí dụ, chúng tôi đã được THE Impact Ranking xếp hạng TOP 200 đại học có ảnh hưởng nhất thế giới đến sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội.
Chúng tôi cũng tin chắc rằng muộn nhất là 2021, Đại học Tôn Đức Thắng sẽ vào bảng xếp hạng thế giới của THE; và đã vào, là vào thứ hạng cao.
Chỗ yếu nào khiến chúng tôi chưa vào được Bảng xếp hạng thế giới 2019, 2020 của THE thì chúng tôi cũng đã biết và đang khắc phục.
Nhưng việc vào ARWU sớm hơn dự kiến lại là một niềm vui bất ngờ với các thành viên khác của Đại học Tôn Đức Thắng; bất ngờ với cả học viên, sinh viên, phụ huynh và xã hội.
Trong 16 năm xếp hạng của Bảng này, Việt Nam chưa có bất kỳ đại diện nào; bởi tiêu chuẩn họ thì cao; nặng về học thuật; cách họ làm lại khách quan; không liên hệ gì với chủ thể được xếp hạng, chỉ đơn thuần là căn cứ các số liệu từ cơ sở dữ liệu học thuật thế giới và tự thực hiện thống kê, đánh giá, đo lường.
Một đại học chỉ có thể được xếp hạng vào bảng này khi và chỉ khi có thành công học thuật (giáo dục và khoa học công nghệ) thực chất; thuộc loại đẳng cấp thế giới.Do đó, các biện pháp truyền thông, tự quảng bá hay sắp xếp dữ liệu cho đẹp, chủ động liên hệ, đăng ký, tự giới thiệu… đối với họ đều không có hiệu quả.
Chính vì cách làm như thế, khi được họ xếp hạng TOP 1000 đại học tốt nhất thế giới và là đại học số 1 của Việt Nam, chúng tôi xem đó là một thành công; bởi toàn thế giới hiện đang có 28.077 đại học và trường đại học [dữ liệu 2018].
Trở thành 1 trong 1000 trường tốt nhất thế giới theo nghĩa chất lượng nhất, uy tín nhất, đẳng cấp nhất… trong số hơn 28.000 trường (thuộc nhóm 3,5% tốt nhất của hệ thống đại học toàn thế giới) là việc hoàn toàn không dễ dàng với một đại học chỉ mới hình thành và phát triển có 22 năm và không nhận kinh phí từ nhà nước lẫn tư nhân.
Chúng tôi tin rằng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm một số đại học được liệt danh trong TOP 1000 của ARWU và THE, 2 bảng xếp hạng khó tính nhất”.
Trong 10 năm đầu thực hiện Kế hoạch 30 năm, một mặt TDTU phải liên tục củng cố chất lượng của hoạt động đào tạo bậc đại học, cao đẳng; nặng về thực hành nhằm bảo đảm sinh viên ra Trường có việc làm ngay để ổn định và chắc chắn việc tuyển sinh.8 bước vươn tới đại học nghiên cứu tinh hoa
Mặt khác, Trường phải tiến hành đồng thời 8 bước để có thể vươn tới mục tiêu trở thành đại học tinh hoa đẳng cấp thế giới ngay từ khi Kế hoạch 30 năm được công bố:
- Phải cấp tốc tuyển và gửi người đi nước ngoài đào tạo tiến sĩ ngay để chuẩn bị nhân lực cho 10 năm tới.
Có năm Giáo sư Lê Vinh Danh ra nước ngoài xin được số học bổng tiến sĩ có tổng giá trị lên đến 70 tỷ đồng, để về tuyển và ép anh em đi học; đến nỗi có viên chức đã đùa rằng ông là một người ăn xin vĩ đại! Vì sao phải ép?
Vì đa số giảng viên khi đã có công việc ổn định rồi, thì chỉ muốn tích cực làm kiếm tiền, lập gia đình, có con, nuôi con, lo mua nhà, mua xe… chứ rất ít người có chí tiến thủ; muốn tập trung học tiếp để đầu tư cho tương lai lâu dài.
Thầy Danh vẫn thường nói với họ rằng bây giờ ông ép họ, họ có thể “oán” ông; nhưng 10 năm sau họ “sẽ biết ơn” ông.Nhiệm vụ của người đứng đầu là phải nhìn xa hơn họ và ép họ phải theo vì tương lai của họ và tương lai của Trường.
Rất nhiều người học nước ngoài những lứa đầu tiên đã về; và nay đã và đang trở thành những chuyên gia chủ lực của Đại học Tôn Đức Thắng.
Vài người trong số họ công bố mỗi năm 3 đến 5 bài trên ISI; có người có bài trên tạp chí ngoại hạng; và cá biệt có vài người khác công bố hơn 10 bài/năm trong năm học vừa qua.
- Phải tiết kiệm triệt để để nhanh chóng mở rộng cơ sở vật chất; trang bị ngay phòng thí nghiệm vừa cho giảng dạy thực hành vừa từng bước mở rộng nghiên cứu, phục vụ nghiên cứu.
- Thành lập ngay các Nhóm nghiên cứu trọng điểm để làm đầu tàu cho mọi người khác nhìn vào mà học, nhìn vào mà theo; để từng bước, mỗi cá nhân đều tin rằng hoàn toàn có thể nghiên cứu và công bố công trình trên các tạp chí ISI.
Vì sao vậy? Vì nghiên cứu và công bố quốc tế là việc không dễ dàng để có thể “dàn hàng ngang tiến lên”; để tất cả mọi người đều là vị trí “hàng đầu”! Do đó, phải có nhóm nghiên cứu trọng điểm để dẫn dắt.
- Thúc các khoa chuyên môn phải liên kết quốc tế. Từng khoa, mỗi 2 năm phải tổ chức một hội thảo quốc tế với điều kiện kỷ yếu hội thảo phải được vào ISI hoặc Scopus nhằm đưa hoạt động nghiên cứu vào đời sống của Đại học Tôn Đức Thắng như hơi thở.
- Thúc ép viên chức phải học tiếng Anh. Nhà trường cấp tiền, cấp thời gian; và yêu cầu viên chức, giảng viên trong một thời gian từ 12 đến 24 tháng phải đạt tiếng Anh với chuẩn TOEIC quốc tế 4 kỹ năng từ 600 điểm trở lên nhằm xây dựng môi trường tiếng Anh ngay trong Đại học Tôn Đức Thắng để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu theo chuẩn quốc tế và quốc tế hóa nhà trường.
- Liên tục xây dựng và cập nhật hệ thống văn bản pháp qui để làm hành lang quản trị đại học nói chung, quản trị hoạt động giáo dục và khoa học-công nghệ nói riêng theo mục tiêu, theo tiêu chuẩn, theo qui trình và được giám sát mọi ngóc ngách.
- Liên tục cải cách chế độ phụ cấp và thu nhập tăng thêm để bảo đảm đời sống và liên tục thu hút nhân tài…. ; nhất là tuyển dụng và sử dụng được chuyên gia giỏi của nước ngoài.
- Tích cực mở rộng hoạt động đào tạo sau đại học và liên kết giáo dục, khoa học công nghệ với các đại học danh tiếng thế giới để vận dụng thế mạnh của các đại học đi trước, đại học đẳng cấp quốc tế cho sự phát triển của Đại học Tôn Đức Thắng.
Phát triển một đại học đẳng cấp trong điều kiện không có đầu tư lớn từ nhà nước hay tư nhân là khó khăn kinh khủng, nhưng TDTU đã làm được. Quản trị tốt, không lo thiếu tiền.
Xây dựng TDTU thành trường đại học tinh hoa là một hành trình thắt lưng, buộc bụng, tự tích lũy từng chút, từ mọi chỗ, mọi ngóc ngách và mọi lúc; để trong cùng một thời điểm, làm mọi thứ nhằm bảo đảm mọi thứ đều phải đi lên đồng loạt để tương hỗ nhau; và tạo hiệu quả tối ưu.
“Quản trị hiệu quả” quyết định tất cả. Đối với Giáo sư Lê Vinh Danh, 4 từ này vô cùng quan trọng. Thực tế trong 3, 4 chục năm qua, có những người từ 2 bàn tay trắng đã xây dựng nên các đế chế như Google, Apple.
Ngoài ý chí kiên cường, sự thông minh trời phú của họ, khả năng phản xạ tốt với thị trường…, họ còn phải sử dụng người rất giỏi, hiệu quả quản trị tối ưu, bởi nếu không sẽ rất lãng phí.
Riêng lãng phí cũng đủ để làm cho doanh nghiệp họ phá sản chứ đừng nói là khởi nghiệp thành công. Vì sao? Tham nhũng nó có thể làm thất thoát tài sản là 1; thì lãng phí có thể làm cho tài sản thất thoát lên tới 5, tới 10 (mặc dù lãng phí thường là hệ quả tất yếu của tham nhũng).
Thí dụ như sân bóng đá của TDTU có sức chứa 7 ngàn người, sử dụng cỏ nhân tạo loại tốt nhất nhập từ Mỹ.
Đội tuyển U22 Việt Nam đã sử dụng sân này để tập vì hiện nay nó vẫn tiếp tục là sân cỏ nhân tạo tốt nhất ở phía Nam đất nước.
Các giải thi đấu quốc gia và Thành phố Hồ Chí Minh của sinh viên thường được tổ chức tại đây. Nhà thi đấu trong nhà là nhà thi đấu lớn nhất, ghế di động nhập từ Mỹ, thảm lót sàn dùng cho thi đấu đa năng nhập từ Pháp… Vật tư nguyên liệu đều nhập từ các nước G7. Dự toán 160 tỷ đồng, TDTU thi công có 144 tỷ đồng.
Tuy khán đài này rộng hơn với 10 nghìn chỗ ngồi; và sân bóng đá của họ có đường chạy; nhưng ngoài những cái đó, họ dùng khán đài cố định, ghế Trung Quốc, khán đài Trung Quốc; nhà thi đấu cũng chủ yếu dùng thiết bị của Trung Quốc.Cũng chủ thầu tham gia thi công công trình này trúng thầu một gói xây dựng nhà thi đấu đa năng ở địa phương khác bằng vốn ngân sách.
Tổng đầu tư của họ là hơn 1400 tỷ đồng, gấp gần 10 lần với kinh phí đầu tư của TDTU. Thư viện thông minh kết nối với cơ sở dữ liệu của 9.000 thư viện lớn nhất trên thế giới, phục vụ 24 giờ/ngày, 7/7 ngày một tuần theo chuẩn Thư viện đại học top 500 thế giới, do chính đội ngũ giảng viên, sinh viên TDTU thiết kế và tham gia thi công một phần.
Thư viện này nay được xem là thư viện hiện đại nhất Việt Nam; nhưng việc sử dụng đội ngũ tại chỗ đã tiếp kiệm ít nhất hơn 2 triệu USD cho TDTU thay vì thuê Nhà thầu nước ngoài như một lựa chọn lúc ban đầu.
TDTU xây mỗi công trình chỉ trong vòng 12 tháng, tối đa cũng chỉ 18 tháng; luôn kịp đưa vào sử dụng cho giáo dục và khoa học; và vì thế, hiệu quả khai thác, hiệu quả khấu hao rất cao; và đặc biệt là luôn kịp kế hoạch hoạt động.
Quá trình xây dựng như vậy làm vật tư, thiết bị được xây từ những năm đầu, đến năm thứ 15 đã xuống cấp, công trình không được đưa vào sử dụng đúng kế hoạch sẽ làm hỏng biết bao dự tính và cơ hội của thầy, trò. Gây ra lãng phí không thể kể hết. TDTU thành công vì coi Hiệu quả, Công bằng và Tinh thần phụng sự lên trên hết. Trong khi có những đại học xây dựng một công trình 15 năm chưa xong do thủ tục và do không được tự chủ.
Đối với các dự án xây dựng cơ bản là như vậy, quản trị con người thì phải làm sao? Bí quyết của thầy Lê Vinh Danh còn nằm ở quản trị hệ thống, quản trị con người.
Nhiều viên chức, giảng viên trong môi trường công lập đã quen kiểu làm việc “chân trong, chân ngoài”, nên dù lương thấp họ vẫn sống được nhờ có thu nhập ngoài lương.
Thế nên có không ít cá nhân, đơn vị đang hiểu sai “tự chủ” hay “xã hội hóa” là tăng nguồn thu bằng mọi cách cho trường mình, khoa mình, thậm chí cho bản thân mỗi người bằng cách cho thuê mặt bằng kinh doanh, mở các lớp đào tạo chứng chỉ…, tìm kiếm các nguồn thu không phải từ công việc chính của nhà trường.
Lâu dần, nhà trường không kiểm soát được nguồn thu thực sự của các phòng, khoa, ban, hệ cũng như từng giảng viên, viên chức và người ta chia nhau ra sao.
Nguy hại hơn, khi người ta kiếm được tiền nhờ “chân trong, chân ngoài”, họ sẽ không lo công việc chung của nhà trường, mà chỉ việc nào có tiền thì mới làm.
Chính môi trường này sẽ nuôi dưỡng những con người ích kỷ, chỉ chăm chăm vun vén cho quyền lợi của mình hoặc nhóm mình; mà không lo gì đến công việc chung.
Ở TDTU thì khác, nhiệm vụ của Hiệu trưởng là hàng năm đều phải tăng lương, năm sau cao hơn năm trước; hoặc chí ít cũng phải cao hơn mức lạm phát; các chế độ khác đều được đảm bảo tốt.
TDTU chỉ có 1 nguồn thu và 1 nguồn chi, không có chuyện mỗi khoa, phòng lại có tài khoản riêng.
Ngược lại, mỗi viên chức, giảng viên phải làm tốt công việc của mình, thu nhập được chi trả dựa vào chất lượng và hiệu quả công việc, ai có sáng kiến tiết kiệm chi phí cho Nhà trường mà hiệu quả lại cao, đều được tưởng thưởng và tôn vinh xứng đáng.
Ở TDTU không có chuyện cào bằng. Người đứng đầu chưa từng lạm dụng một đồng công quỹ nên bên dưới không thể kiếm chác hay tham ô.
Trên dưới đồng lòng, ai cũng cố gắng làm tốt nhất phần công việc của mình. Mọi người hài lòng và tự hào với công việc của mình. Hiệu quả công việc ở đó mà ra. Khi tham nhũng và lãng phí không có, Nhà trường đủ tiền để làm hầu như tất cả các việc cần làm, các dự tính mà TDTU đưa ra.
Nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam